Phụ lục
Phụ lục
Bèo lục bình – Một công đôi ba việc
Lục bình như bao loài cây khác ở farm tụi mình, như chuối, cỏ voi, sunhem… Chúng đều mang nhiều “số phận” khác nhau và luôn cùng một sứ mệnh tương hỗ, tái tạo hệ sinh thái với muôn loài.
Lục bình một đời lênh đênh, biết sẽ trôi về đâu? Khó mà kể hết mối tương quan, sự hài hòa của một sinh vật trong cả hệ sinh thái đi kèm bởi đó là sự chia sẻ công bằng, tồn tại song hành với nhiều mục đích trong cả chu kỳ sống.
Nổi bật nhất, cả một đời lênh đênh, lục bình phủ khắp mương lớn, thuộc hệ thống hàng rào sinh thái chạy quanh farm với mục đích chính là xử lý chất độc, tồn dư trong nước, ô nhiễm môi trường nước. Tác dụng này của cây lục bình chính là ở rễ cây dài. Tốc độ xử lý và hút, lọc nước thải của bộ rễ lục bình rất tuyệt vời.
Hiệu quả xử lý nước của bèo lục bình
Trong một luận án tốt nghiệp bậc tiến sĩ triết học trong nghiên cứu môi trường (Khoa học sinh học) tại Moi University, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những con số ấn tượng về hiệu quả làm việc của lục bình trong việc xử lý nước thải như sau: 1ha mặt nước thả lục bình có thể làm sạch được 3 tấn nước thải mỗi ngày. Cụ thể là 34kg natri, 22kg canxi, 17kg phốt pho, 4kg Magine, 2,1kg phenol, 89g thủy ngân, 104g nhôm, 297g kiềm, 321g stronti,…
Theo sách Dược Lực Học do đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh phát hành, cây lục bình còn có tác dụng phân giải chất phenol và xyanua, đây là những chất độc hại rất nguy hiểm, một lượng nhỏ từ 0,15 đến 0,2g cũng có thể gây chết người.
Cộng sinh cùng bèo lục bình
Ngoài ra, thực tế ở farm, bên dưới đám lục bình là môi trường sống của cả một hệ thuỷ sinh. Khả năng sinh trưởng của lục bình cực lớn, cộng sinh tốt và là nguồn thức ăn dồi dào. Tụi mình không nuôi thả chi hết mà cá tôm rất nhiều, các loài hiếm thấy ngày xưa bỗng xuất hiện trở lại.
Lục bình cũng là nguồn sinh khối rất lớn, tận dụng tấp tủ trong hàng rào sinh học. Như trồng bí, bầu, dưa thì mình vớt lên, tấp tủ vô, vừa làm sinh khối, dinh dưỡng bên trong nhiều lắm và giữ ẩm rất tốt. Thậm chí, khi mới vớt lên, có nước trong rễ, tụi mình không cần tưới, nước đó mình tưới luôn, khỏi tốn công xách nước tưới từ dưới ao mương. Cứ thế, mình vớt lên 3-4 tháng 1 lần, sinh ra đầy mương trở lại cái mình vớt lên, nó cực kỳ hiệu quả, giúp ích nhiều thứ, cả ếch cũng chui lên trú ụ, sinh sống trong đó.
Nhờ có nhiều vai trò trong từng “số phận”, đa mục đích như lục bình và các loài cây khác tại vườn rừng mà tụi mình tái tạo hệ sinh thái bền vững một cách rất bền vững. Vốn dĩ tự nhiên đã có sự sắp xếp rất tài tình, tôn trọng và nương theo tự nhiên là điều tụi mình làm, chơi và sống mỗi ngày.
Nguồn kiến thức: noomfood